1. Ruột thừa bục là chết?
Khi còn nhỏ, tôi nghe mọi người bảo nhau “ruột thừa mà bục là chết”. Thời sinh viên đi học bác sỹ ngoài bệnh viện Việt Đức, thi thoảng vẫn gặp bệnh nhân tử vong do viêm phúc mạc ruột thừa. Thứ 6 vừa qua, tôi mổ cho một bà cụ bục ruột thừa, sáng nay đi buồng khám bệnh thì cụ đã đi chơi vắng.
Tôi hoàn toàn không có ý nói mình giỏi hơn các thầy ngoài Hà Nội, mà rằng nhờ tiến bộ y học, nhờ máy móc tốt hơn, thuốc men cao cấp hơn, điều kiện xã hội tốt hơn nên “bục ruột thừa” không còn là bệnh nan y.
Từ chuyên môn gọi “bục ruột thừa” là “viêm phúc mạc ruột thừa”. Bệnh lý này khá nguy hiểm, dễ lan rộng thành nhiễm trùng ổ bụng toàn thể. Ngày xưa thiếu thuốc kháng sinh đặc hiệu, nên những bệnh nhân này ở các địa phương cầm chắc cái chết. Đó là nguyên nhân có câu nói “ruột thừa bục là chết” tôi được nghe từ nhỏ.
2. Viêm phúc mạc ruột thừa là gì?
Ruột thừa viêm không được điều trị, sau 36 giờ có thể vỡ. Ban đầu nó được màng bụng bọc lại, gọi là phúc mạc khu trú, muộn hơn nó lan rộng toàn bụng, gọi là viêm phúc mạc toàn thể.
Viêm phúc mạc ruột thừa thuộc nhóm viêm phúc mạc thứ phát, là biến chứng do viêm ruột thừa vỡ, vi khuẩn từ lòng ruột già, chui qua chỗ vỡ, gây nhiễm trùng lan rộng toàn phúc mạc, rồi gây nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị đặc hiệu.
3. Viêm phúc mạc ruột thừa có nguy hiểm không?
Viêm phúc mạc ruột thừa là tình trạng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Ngày nay, nhờ có hệ thống phẫu thuật nội soi giúp bác sỹ có thể rửa sạch mủ đọng trong các ngóc ngách của ổ bụng, nhờ có các loại chỉ khâu tốt giúp khâu được gốc ruột thừa hoại tử hay manh tràng bị viêm nhiễm. Nhờ xét nghiệm kháng sinh đồ giúp tìm kháng sinh đặc hiệu, nhờ nhiều loại kháng sinh mới và mạnh giúp điều trị đặc hiệu các loại vi trùng, mà bục ruột thừa có thể điều trị tốt.
4. Bác sỹ phải lưu ý gì khi điều trị viêm phúc mạc ruột thừa
– Phẫu thuật viên thường gặp gốc ruột thừa đã hoại tử, không còn thắt hoặc kẹp được như thường lệ, bác sỹ phải khâu manh tràng bằng chỉ tốt. Nếu khâu chưa đảm bảo, phải đặt dẫn lưu manh tràng.
– Phải lấy mủ ổ bụng làm kháng sinh đồ, sau 3 ngày sẽ biết loại kháng sinh nào là nhạy cảm nhất, nhì, ba…để lựa chọn thuốc đặc trị.
– Bác sỹ phải lau rửa sạch mủ đọng trong các ngóc ngách của ổ bụng, nhất là rãnh đại tràng phải và dưới các quai ruột, túi cùng Douglass. Thường pha thuốc sát khuẩn Betadine vào dịch muối rửa.
– Chú ý nồng độ Hemoglobin, protein, albumine và glucose máu. Nếu Hemoglobin, protein, albumine thấp, bác sỹ của bạn phải truyền máu hay đạm để bù. Nếu có đường máu cao, phải điều trị tốt bằng insullin.
– Do rửa ổ phúc mạc bằng nước nhiều có thể gây rối loạn điện giải. bác sỹ phải kiểm tra và bù điện giải ngay sau mổ.
– Chú ý cho bệnh nhân ngồi dậy và thở bụng sớm để tránh dính ruột về sau.
– Uống nhiều nước để bù điện giải và lượng nước thất thoát do nhiễm trùng.
– Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng ở dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa để tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa; Đồng thời cung cấp đủ năng lượng, sinh tố để cung cấp dưỡng chất và tăng cường chức năng miễn dịch.
5. Ruột thừa bục có mổ nội soi được không?
Phẫu thuật nội soi không chỉ áp dụng được cho viêm phúc mạc ruột thừa, mà còn có nhiều ưu điểm lớn so với mổ mở:
– Rửa được sạch sẽ mọi ngóc ngách trong ổ bụng.
– Ít sang thương ruột, nên tránh được dính ruột về sau.
– Sẹo mổ nhỏ và đẹp, chỉ bằng đầu đũa, so với ngày xưa mổ mở viêm phúc mạc, như có 1 con rít to lớn bò giữa bụng.
Kết quả siêu âm của bệnh nhân H. cho thấy ruột thừa đã vỡ, có nhiều mủ trong ổ bụng tự do
Ruột thừa hoại tử, dính phức tạp và có nhiều mủ trong ổ bụng bệnh nhân H.
Các vết mổ đã liền tốt ở ngày thứ 3 sau mổ, sẹo mổ nhỏ và đẹp, chỉ bằng đầu đũa.
Bệnh nhân Lê Thị H. 65 tuổi, ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò trên đau bụng nặng. nhưng gia đình nghĩ bị ngộ độc hải sản, 3 ngày sau mới vào viện nên ruột thừa đã bục. Tuy nhiên, nhờ y học tiến bộ mà cụ đã được điều trị tốt, sau 3 ngày đã ăn uống, đi lại bình thường.
Bệnh nhân H. ngày thứ 2 sau mổ. (Hình ảnh đã được xin phép trước khi đăng tại)
Dù sao, điều trị viêm ruột thừa cấp luôn dễ dàng hơn điều trị viêm phúc mạc ruột thừa. Vì vậy, khi có đau bụng, đặc biệt là đau vùng hố chậu phải, khuyên bạn đến viện càng sớm càng tốt.
Ths.Bs: Nguyễn Đình Tạo