ĐAU ĐỚN VÀ KHỔ SỞ VÌ “NHỌT” VÙNG HẬU MÔN

0
1967
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh đã tiếp nhận và điều trị cho BN Nguyễn Như L, 54t ở TX.Cửa Lò, Nghệ An. BN vào viện với lý do có khối nhọt ở vùng cạnh hậu môn đã nhiều ngày gây sưng đau, rỉ dịch mủ rất khó chịu kèm theo sốt. Anh L đã tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi, tái đi tái lại nhiều lần.
Qua thăm khám, BS xác định khối “nhọt” mà anh nói chính là khối Áp xe rò hậu môn. Anh đã được các BS khoa Ngoại TH điều trị bằng phẫu thuật mở thông đường rò và dùng kháng sinh phối hợp, đến nay anh đã được ra viện và rất phấn khởi vì đã loại bỏ được nỗi đau đớn và khổ sở bấy lâu phải chịu đựng.
Đôi điều về Bệnh áp xe hậu môn và rò hậu môn:
=> Áp xe cạnh hậu môn là gì?
Áp xe cạnh hậu môn là một ổ nhiễm khuẩn có chứa mủ nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng.
=> Rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn thường hình thành từ những ổ áp xe cạnh hậu môn cũ hoặc mới, thường xuất hiện ở 50% bệnh nhân có áp xe cạnh hậu môn. Người bình thường có các tuyến bã nằm rải rác trong ống hậu môn. Có những khi các tuyến bã này bị bít tắc và nhiễm khuẩn rồi hình thành một ổ áp xe. Đường rò hậu môn là một đường hầm nằm dưới da và thông từ ổ áp xe tới tuyến bã bị nhiễm khuẩn. Đường rò hậu môn có thể xuất hiện cùng với áp xe hoặc không và có thể thông với da vùng mông (da xung quanh hậu môn). Một số bệnh khác như bệnh Crohn, xạ trị sau mổ ung thư, chấn thương vùng hậu môn, và ung thư hậu môn trực tràng cũng có thể gây nên bệnh rò hậu môn.
Mô phỏng các loại Áp xe cạnh hậu môn và các loại Rò hậu môn
=> Những dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng của bệnh áp xe cạnh hậu môn và rò hậu môn là gì?
Khi xuất hiện ổ áp xe cạnh hậu môn bệnh nhân có thể thấy đau, đỏ, sưng, ở vùng xung quanh hậu môn. Mệt mỏi, sốt nóng, sốt rét cũng thường xảy ra. Ở những bệnh nhân bị rò hậu môn cũng có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự, tuy nhiên có thêm những dấu hiệu như viêm đỏ vùng da xung quanh hậu môn, rỉ dịch (trắng đục) từ lỗ ngoài của đường rò nằm cạnh hậu môn.
=> Điều trị bệnh áp xe cạnh hậu môn như thế nào?
Điều trị một ổ áp xe bằng việc mổ (trích rạch) mở, làm sạch và dẫn lưu ổ áp xe. Một đường rạch da ở vùng cạnh hậu môn chỗ có ổ áp xe để mở và làm sạch nó.
=> Điều trị bệnh rò hậu môn như thế nào?
Cách điều trị duy nhất và hiệu quả nhất là phẫu thuật. Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể có những biến chứng, đôi khi đòi hỏi phải phẫu thuật nhiều thì, nhiều lần.
=> Lời khuyên: Khi bị khối sưng đau hay khối “Nhọt” vùng hậu môn thì người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh Áp xe hậu môn hoặc Rò hậu môn nếu có tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra!
BS Nguyễn Viết Tuấn – Khoa Ngoại TH giới thiệu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here