Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim thường hay gặp trong các bệnh lý về tim mạch. Tại khoa Tim mạch bệnh viện ĐHYK Vinh đã tiếp nhận và điều trị chuyển nhịp thành công nhiều trường hợp, trong đó có:
Bệnh nhân N.V.C 73t, trú tại P Lê Lợi, tp Vinh,tiền sử rung nhĩ đã điều trị nhiều nơi, vào viện vì mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực kèm khó thở thường xuyên. Sau khi được PGS. TS Cao Trường Sinh thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân được yêu cầu nhập viện để điều trị, chăm sóc và theo dõi.
Qua 5 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân đã được kiểm soát nhịp và chuyển về nhịp xoang bằng Cordaron, các triệu chứng cải thiện đáng kể, người bệnh đã khoẻ hơn.
- Tìm hiểu đôi điều về Rung nhĩ
Khi quá trình hình thành và lan truyền xung điện của tim hoạt động không bình thường, sẽ dẫn đến co bóp của tim sẽ bị rối loạn. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng bệnh lý này được ta gọi là rung nhĩ.
- Triệu chứng
Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu. Nếu bạn bị rung nhĩ, bạn có thể có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi.
Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh.
Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.
- Chẩn đoán:
– Chủ yếu dựa vào điện tâm đồ.
– Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán
- Điều trị:
– Kiểm soát tần số tim bằng thuốc hoặc triệt đốt nút nhĩ thất.
– Đôi khi có thể chuyển nhịp xoang bằng sốc điện đồng bộ, thuốc chống loạn nhịp, hoặc triệt đốt cơ chất gây rung nhĩ.
– Dự phòng nguy cơ huyết khối tắc mạch
Chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất:
+ Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cơn hoặc cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện.
+ Khi bị rung nhĩ mạn tính, việc chuyển về nhịp bình thường khó khăn và hay tái phát nếu chuyển nhịp thành công. Còn đa số bệnh nhân bị rung nhĩ mạn tính được dùng thuốc, nhằm mục đính kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất. Việc dùng thuốc, dùng biện pháp can thiệp qua da hay phẫu thuật phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh và các bệnh kèm theo của bạn.
- Để đăng kí khám và điều trị bệnh lí về tim mạch tại bệnh viện Đại học y Khoa Vinh, quý khách có thể liên hệ tổ CSKH hoặc đăng kí trực tuyến thông qua websize.
BS. Nguyễn Thị Nguyệt – Khoa Nội Tim mạch giới thiệu!