Nôm na thì “Hậu bối” là 1 cái nhọt, đúng hơn là một cụm nhọt phần mềm, thường do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây ra.
Nhưng khác với nhọt, hậu bối gây ra một ổ nung mủ rộng, nhiều ngóc ngách, đường kính lớn hơn hàng chục lần. Ngày xưa hay gặp hậu bối ở những người ăn uống thiếu thốn. Ngày nay ngược lại, hay gặp ở những người tiểu đường hoặc béo phì.
Hậu bối thường phát sinh trên nền những tuyến bã, nên chúng có nhiều “ngòi”, nhiều hang hốc. Vì thế, có bệnh nhân hậu bối nọ chữa mãi không khỏi, thầy lang bảo bệnh nhân là trong hậu bối có “quỷ mặt người” ẩn nấp, nên phải bắt quỷ đi mới khỏi
Nếu không được điều trị kịp thời, ổ vi khuẩn có thể lan rộng vào lớp cơ và xương gây viêm tấy lan tỏa phần mềm, viêm cơ, viêm xương, thậm chí gây ra nhiễm khuẩn máu hay viêm nội tâm mạc.
Do có nhiều hang hốc bên trong, thường có vỏ bọc, nên kháng sinh khó “chui” vào hang ổ hậu bối để giết được vi trùng. Ngày xưa, có người mang ổ hậu bối đến nhiều tháng, đắp hết các loại thuốc Bắc, Nam, người bệnh ngày càng hốc hác.
Để điều trị bệnh này, người ta phải mổ để phá vỡ các hang hốc, nạo hết “ngòi”, rửa sạch bằng dung dịch “o xy già” và Betadine (cồn đỏ).
Chọn kháng sinh loại có hiệu quả diệt tụ cầu, thường dùng Oxacillin và Vancomycine kết hợp. Tốt hơn nữa nếu định danh được vi khuẩn và lựa chọn thuốc theo “kháng sinh đồ”. Thuốc được dùng trước khi mổ để đề phòng vi khuẩn lan rộng.
Nếu người bệnh có đái tháo đường, nguyên tắc bắt buộc là phải dùng thuốc tiểu đường dạng tiêm (Insulin).
Trường hợp của anh Nguyễn Duy M. 49 tuổi, ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc bị hậu bối sau vai phải. Anh tự mua kháng sinh uống 10 ngày, hậu bối càng lan rộng, vỡ rồi chảy mủ trắng.
Anh được các bác sỹ Bệnh viện đại học Y khoa Vinh rạch dẫn lưu ổ mủ kết hợp kháng sinh đặc hiệu chống tụ cầu, ổ hậu bối tiêu giảm nhanh chóng.
Ths.BS: Nguyễn Đình Tạo.