Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là loại gãy xương thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5-12 tuổi, xếp thứ 10 trong các loại gãy xương ở trẻ em. Đây là kiểu gãy ngoại khớp, có thể đi kèm tổn thương mạch máu, thần kinh, để lại di chứng vẹo khuỷu nếu không điều trị tốt.
Nhân một ca bệnh nhi bị ngã từ trên xe máy, chống tay trái xuống nền cứng. Vào khoa Ngoại TH, Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh với tình trạng khuỷu tay trái sưng nề, bầm tím nhiều kèm mất vận động tay trái. Sau thăm khám lâm sàng kèm theo hình ảnh X quang, các bác sĩ đánh giá đây là một ca bệnh gãy trên lồi cầu xương cánh tay phức tạp, có thể có biến chứng mạch máu, thần kinh đi kèm nếu không xử trí tốt.
Tại đây, bệnh nhi đã được các bác sĩ kéo nắn, bó bột với sự hỗ trợ của ekip Gây mê, hồi sức cùng thiết bị máy C-arm (màn hình tăng sáng) hiện đại, đảm bảo được ổ gãy về đúng vị trí giải phẫu, giúp cho quá trình liền xương, tránh tổn thương mạch, thần kinh kèm theo. Đặc biệt quá trình kéo nắn trẻ được gây mê hoàn toàn, không có cảm giác đau cũng như sợ hãi để lại ám thị về sau cho trẻ.
Thực tế lâm sàng, gãy trên lồi cầu xương cánh tay hiếm gặp ở người lớn nhưng thường xuyên gặp ở trẻ em, xảy ra sau một ngã tay chống đất ở tư thế duỗi hoặc ngã va đập trực tiếp khuỷu tay xuống nền cứng.
Các triệu chứng bao gồm đau nhiều vùng khuỷu tay, sưng nề, bầm tím mặt trước khuỷu do đầu nhọn ổ gãy đâm vào cơ cánh tay trước. Hình ảnh X quang giúp chẩn đoán và phân độ.
Kéo nắn bó bột được xem là phương pháp điều trị chủ yếu trong kiểu gãy này. Thường áp dụng đối với các ổ gãy độ I và II theo phân độ của Marion và Lagrange: Gãy không di lệch hoặc di lệch ít (góc giữa trục và lồi cầu không quá 20o), phần mềm sưng nhẹ. Với độ I chỉ cần bất động bằng nẹp bột cánh cẳng bàn tay, khuỷu gấp 90o, theo dõi biến chứng trong 1-2 ngày, để nẹp 3 tuần. Độ II cần bất động bằng bột cánh cẳng bàn tay có rạch dọc. Theo dõi biến chứng sau bó bột như hội chứng Volkmann và gập góc vào trong hay ra ngoài.
Với ổ gãy độ III (gãy hoàn toàn, di lệch, 2 diện gãy còn tiếp xúc với nhau) được chỉ định kéo nắn, bất động bằng bột dưới gây mê.
Vấn đề phẫu thuật được đặt ra đối với các trường hợp gãy độ III nắn chỉnh thất bại hoặc gãy độ IV (gãy hoàn toàn, hai đầu gãy di lệch xa nhau không còn tiếp xúc). Có thể mổ xuyên đinh Kirschner chéo ổ gãy hoặc bắt vít xốp, nẹp chữ Y, chữ T ở người lớn.
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em là loại gãy xương thường gặp, tỷ lệ điều trị bảo tồn cao. Tuy nhiên vẫn có một số trẻ chưa được điều trị thực sự tốt dẫn đến các biến chứng như hạn chế vận động khớp khuỷu, can lệch, tổn thương thần kinh, hội chứng Volkmann… Nguyên nhân của các biến chứng này do tổn thương xương nặng, đến muộn do tự điều trị ở nhà hay thầy lang, tháo bột không tập vận động theo hướng dẫn.
Vì vậy các bố mẹ cần tư vấn, hướng dẫn, quản lý con em mình trong lứa tuổi vận động để hạn chế rủi ro chấn thương xảy ra. Khi trẻ bị tai nạn cần đưa đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong thời gian sớm nhất để được khám và xử lý kịp thời tránh những hậu quả không đáng có.
Khoa Ngoại TH – Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh với đội ngũ chuyên gia về Chấn thương chỉnh hình như BSCKII.TTƯT Hồ Văn Bình; Đại tá. BSCKII.TTƯT Nguyễn Quốc Dũng là địa điểm tin cậy để người bệnh đến thăm khám và điều trị các bệnh thuộc chuyên khoa này.