Kịp thời phẫu thuật cấp cứu cho trẻ bị lồng ruột cấp ngày thứ 3

0
1054

Lồng ruột là một cấp cứu bụng ngoại khoa thường gặp, do một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, là nguyên nhân của tắc ruột cơ học mà cơ chế vừa do bít vừa do thắt.

Lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nh­ưng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi (chiếm tới 80% các trường hợp lồng ruột), trong đó gặp nhiều nhất là ở lứa tuổi 4 – 9 tháng.

Lồng ruột gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái từ 2 – 4 lần. Bệnh ít gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, đa số gặp ở trẻ béo tốt, bụ bẫm.

Tỷ lệ tái phát sau tháo lồng không phẫu thuật là 8 – 12%. Sau phẫu thuật tháo lồng tỷ lệ tái phát là 0 – 3%.

Về lâm sàng, bệnh diễn biến rất khác nhau ở hai lứa tuổi:

Trẻ dưới 24 tháng tuổi: bệnh biểu hiện cấp tính, diễn biến nhanh, tiên lượng nặng theo từng giờ.

Trẻ lớn: biểu hiện bán cấp hoặc mãn tính, đôi khi cấp tính, nhưng diễn biến không nhanh và nặng nh­ ở trẻ còn bú.

          Nhân một trường hợp bệnh nhân Phạm Khánh Đ, 4 tuổi ở Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh nhập viện ngày 09/08/2022 trong tình trạng trẻ có biểu hiện đau bụng đã 3 ngày kèm nôn và đại tiện phân lỏng nhiều lần. Qua thăm khám, Bác sĩ đã sờ thấy khối lồng ở vùng hạ sườn phải, cùng với kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CTScanner) trẻ được chẩn đoán: Lồng ruột cấp ngày thứ 3. Sau đó trẻ đã được các Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng tháo lồng. Kết quả phẫu thuật cho thấy: Khối lồng là do một đoạn ruột hồi trang chui và manh tràng, rất may là đoạn ruột mới có biểu hiện viêm xung huyết, nhu động ruột còn tốt và chưa có dấu hiệu hoại tử nên Ekip phẫu thuật đã dễ dàng tháo lồng được cho trẻ. Sau phẫu thuật trẻ đã ổn định và hồi phục, có thể xuất viện trong vài ngày mai.

Theo BSCK1. Nguyễn Viết Tuấn – PTV chính, Khoa Ngoại tổng hợp cho biết: Do chủ quan nên lúc trẻ mới có biều hiện đau bụng người nhà đã không đưa đến viện ngay mà để đến ngày thứ 3 mới đưa đến. Do trẻ được đưa đến viện muộn và khi thăm khám BS phát hiện trẻ đã có máu chảy ra đường hậu môn nên không thể dùng phương pháp tháo lồng bằng hơi được nữa mà phải chuyển sang phương pháp phẫu thuật nội soi tháo lồng. Rất may khi phẫu thuật vào thì thấy đoạn ruột chưa hoại tử. Để tránh những biến chứng ngoài mong muốn có thể xẩy ra nếu đưa trẻ đến muộn, các quý phụ huynh nên chú ý, đối với trẻ bị lồng ruột có thể gặp các triệu chứng như sau:

Triệu chứng Lồng ruột ở trẻ còn bú (<24 tháng tuổi):

Đau bụng cơn (gặp 75% các trường hợp): biểu hiện bằng khóc thét từng cơn, là triệu chứng sớm và nổi bật nhất. Cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, trẻ ­ưỡn người, xoắn vặn, hai chân đạp lung tung, ban đêm làm trẻ thức giấc, ban ngày làm trẻ phải ngừng mọi hoạt động, bỏ chơi, bỏ bú. Cơn đau xuất hiện và mất đi đột ngột, mỗi cơn đau kéo dài 5 – 15 phút. Các triệu chứng có thể tái diễn ngay sau đó, trẻ yếu dần, mệt lả, khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng ngắn.

Nôn (gặp 65% các trường hợp): xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch xanh hoặc vàng.

Đại tiện ra nhầy máu (gặp 95% các trường hợp): đây là dấu hiệu xuất hiện muộn, có thể ngay từ cơn đau đầu tiên khi lồng chặt khít, khó tháo hoặc xuất hiện muộn sau 24 giờ. Đa số các trường hợp máu lẫn nhầy, màu đỏ hoặc nâu, đôi khi có vài giọt máu tươi chảy ra hậu môn, dây ra tã; có trường hợp chỉ phát hiện được khi thăm trực tràng thấy nhầy máu theo găng.

Bí trung – đại tiện nếu khối lồng gây tắc hoàn toàn, nhưng nếu ruột không tắc hoàn toàn bệnh nhân vẫn đại tiện được. Đây là tình huống dễ làm cho chẩn đoán nhầm, nhất là có một số bệnh nhân ỉa chảy sau khi xuất hiện lồng ruột.

Sờ thấy khối lồng (85 – 95% các trường hợp): thường ở hạ sườn phải, trên rốn, khối lồng nằm ngang. Lúc bệnh nhân dịu cơn đau, bụng thường mềm, sờ thấy khối lồng là một khối dài, di động, chắc, mặt nhẵn, đau khi ấn, nằm dọc theo vị trí của khung đại tràng. Có thể không sờ thấy khối lồng do nằm sâu dưới bờ sườn phải, lồng tới góc gan hoặc khi bụng căng trướng do tắc ruột đến muộn.

Hố chậu phải rỗng (dấu hiệu Dance) do manh tràng di chuyển lên trên.

Thăm trực tràng thấy nhầy máu theo găng biểu hiện của xuất huyết ruột  (Mondor: “nếu là lồng ruột, cố tìm sẽ thấy máu ở phân”). Có trường hợp khi thăm trực tràng, có thể sờ thấy đầu khối lồng nếu lồng ruột xuống thấp, tới tận bóng trực tràng.

Sau 48 giờ: có các triệu chứng của tắc ruột cơ học.

Triệu chứng Lồng ruột ở trẻ lớn (>24 tháng tuổi):

Đau bụng không dữ dội như­ lồng ruột ở trẻ còn bú.

Nôn (hay gặp).

Ỉa nhầy máu (gặp khoảng 44%).

Sờ thấy khối lồng (gặp khoảng 89%).

Nhìn chung, triệu chứng đau bụng và khối lồng xuất hiện 1 – 2 ngày, thành từng đợt, sau hết đau, khối lồng biến mất, ít khi bệnh nhân có biểu hiện tắc ruột hoàn toàn.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ LỒNG RUỘT ĐƯỢC ÁP DỤNG TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y KHOA VINH:

Tháo lồng bằng bơm hơi: Là phương pháp phổ biến và nhẹ nhàng được áp dụng cho bệnh nhân Lồng ruột đến sớm (Trong 24 giờ đầu)

Hơi được bơm vào trực tràng bằng máy, theo dõi sao cho áp lực không v­ợt quá 80 cm H2O (trẻ dưới 6 tháng) và dưới 120 cm H2O (trẻ lớn hơn 6 tháng), trong thời gian 3 phút. Tỷ lệ tháo lồng thành công là 90%, nếu bệnh nhân đến sớm (trong 24 giờ đầu).

Phẫu thuật tháo lồng:

Được chỉ định khi lồng ruột có chống chỉ định tháo lồng bằng khí hoặc khi đã tháo lồng bằng khí không có kết quả. Hoặc bệnh nhân đến muộn sau 24 giờ. Lồng ruột tái phát nhiều lần (>2 lần) mà chưa chắc chắn nguyên nhân (nội soi tháo lồng kết hợp chẩn đoán). Bệnh nhân có dấu hiệu viêm phúc mạc, tắc ruột, ….

Có 2 phương pháp phẫu thuật là Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở kinh điển. Ngày nay, phẫu thuật nội soi là phương pháp xâm lấn tối thiểu và được áp dụng phổ biến đối với Lồng ruột chưa có biến chứng nặng nề.

Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh sẵn sàng tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân bị Lồng ruột. Khi trẻ có biểu hiện các triệu chứng như trên quý vị phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nặng nề có thể xẩy ra với trẻ.

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here