MỖI NGÀY MỘT KỸ THUẬT MỚI

0
2140

1. Phẫu thuật cắt tử cung

Tử cung hay dạ con là một phần vô cùng quan trọng của cơ thể người phụ nữ, nơi thai nhi được nuôi dưỡng, phát triển và được chở che. Nhưng ở người nữ lớn tuổi không sinh đẻ nữa, nhiều khi tử cung lại gây khổ sở, biến thành của nợ bất đắc dĩ.

Chị Nguyễn Thị H. 49 tuổi, ở khối Tân Quang, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò có con cái đã trưởng thành. Hai năm nay chị mắc căn bệnh u xơ tử cung. Khối u lành tính nhưng cứ lù lù to lên, gây đau đớn khi đến tháng và ra huyết kéo dài. Da dẻ ngày càng nhợt nhạt ra.
Muốn yên thân chẳng được, chị đến Bệnh viện Đại học Y Vinh đề nghị các bác sỹ cắt bỏ của nợ này.

Tại đây, chị được bác sỹ giới thiệu có đến 4 cách cắt tử cung để lựa chọn:

Cắt tử cung mổ mở: bác sĩ sẽ rạch một đường ngang ở bụng và đưa tử cung ra ngoài qua vết mổ. Chỉ nên chọn cách này khi không thể làm phương pháp khác, vì người bệnh sẽ hồi phục lâu hơn.
Cắt tử cung nội soi: bác sĩ đưa dụng cụ phẫu ra ngoài qua thành bụng hoặc qua âm đạo.
Cắt tử cung đường âm đạo: Bác sĩ cắt bên trong và đưa tử cung bị cắt bỏ ra ngoài qua đường âm đạo.
– Cắt tử cung qua âm đạo có sự hỗ trợ của nội soi”. Bằng phương pháp này, tử cung cắt bỏ được đưa ra ngoài qua âm đạo.”
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là sẹo mổ nhỏ, ít đau và thời gian hồi phục nhanh, giảm nguy cơ dính ruột sau mổ.

Sau khi được tư vấn như vậy, chị H. đã chọn phẫu thuật cắt tử cung nội soi. Sáng ngày 23.06.2020, các bác sỹ khoa Ngoại + Sản, Bệnh viện Đại học Y Vinh đã giúp Chị loại bỏ của nợ khó ưa này.

2. Tại sao bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung?

• U xơ: là những khối u cơ lành tính có hình tròn, cứng hình thành trong tử cung. Khối u này quá lớn gây chèn ép các bộ phận bên trong ổ bụng gây ra đau đớn. Nó cũng có thể gây ra chảy máu bất thường.
• Sa sinh dục: Tử cung bị sa xuống âm đạo.
• Rong kinh: bệnh nhân ra nhiều máu trong kỳ kinh hoặc chảy máu lai rai, kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu máu, gây mệt mỏi cho người bệnh.
• Ung thư hoặc bệnh lý có thể dẫn tới ung thư: U nội mạc tử cung hoặc U cổ tử cung phần nằm giữa tử cung và âm đạo.
• Đau vùng chậu tiến triển – Một số bệnh nhân thấy đau liên tục ở vùng dưới bụng. Hiện tượng này còn gọi là “đau vùng chậu mãn tính”. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể giúp bệnh nhân hết đau.

U xơ tử cung gây đau triền miên và chảy máu kinh niên

3. Bác sỹ cắt bỏ những gì?

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, tùy căn bệnh và tổn thương cụ thể, ngoài thân tử cung, bác sĩ có thể cắt bỏ thêm:
• Cổ tử cung: Người ta gọi phẫu thuật cắt tử cung và cổ tử cung là cắt tử cung toàn phần. Bác sỹ sẽ cắt toàn bộ nếu cổ tử cung người bệnh cũng có tổn thương.
• Vòi tử cung hay còn gọi là vòi trứng: luôn được cắt kèm theo tử cung, vì để lại cũng không có tác dụng gì, hơn nữa, chúng thường phình ra thành các u nang.
• Buồng trứng: ngoài nhiệm vụ sản xuất trứng (để tạo em bé), buồng trứng còn có chức năng sản xuất hóc môn nữ (Estrogen và progesterone). Bác sỹ chỉ cắt bỏ khi buồng trứng có bệnh kèm theo. Phụ nữ cắt bỏ buồng trứng, phải dùng hóc môn thay thế.
Ở chị Nguyễn Thị H. bên phải có khối u do lạc nội mạc tử cung, nên bác sỹ đã cắt bỏ buồng trứng phải, giữ lại bên trái để đảm bảo chức năng nội tiết.

Bác sỹ đang cắt tử cung nội soi

4. Chăm sóc sau mổ

Bệnh nhân cần dùng kháng sinh và thay băng vết mổ. Sau 7 ngày sẽ được cắt chỉ và xuất viện.
Bác sỹ sẽ kê đơn viên sắt, giúp người bệnh tự sản xuất, bù lại lượng máu thiếu do mất máu mãn tính nhiều năm.

5. Mất tử cung rồi, cuộc sống sẽ ra sao?

Với những người bệnh thiếu máu mãn tính do rong kinh nhiều năm, mổ cắt xong sẽ có cuộc sống tuyệt vời vì da dẻ sẽ hồng hào trờ lại. Họ cũng được giải thoát khỏi những cơn đau bụng dưới và nổi khổ của rong kinh triền miên.

Chị Nguyễn Thị H. Ngày thứ 2 sau mổ
(Ảnh đăng tại đã được sự đồng ý của chị H)

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ vẫn hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn sau đó. Cắt tử cung bán phần hoàn toàn không ảnh hưởng đến sinh lý phụ nữ.

Ths.Bs: Nguyễn Đình Tạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here