Tôi đến Bệnh viện Đại học Y Vinh vào một ngày nắng tháng 5 của miền Trung bỏng rát. Thời tiết này chỉ ngồi yên thôi cũng đã đủ mệt, tôi lại hình dung đến cảnh bệnh nhân nằm la liệt ở hành lang bệnh viện, không khí ngột ngạt, nóng bức… Khác với suy nghĩ của tôi, khuôn viên Trường Đại học Y khoa Vinh và Bệnh viện Đại học Y Vinh mát rượi, cây cối xanh mướt đầy sức sống, yên ả không giống với những bệnh viện khác. PGS.TS- Nhà giáo Ưu tú Cao Trường Sinh đón tôi bằng nụ cười niềm nở và cái bắt tay đây chân tình. Thầy kể cho tôi nghe về những ngày học tập say mê tại Trường Đại học y Thái Bình và những năm tháng đã và đang dày công cống hiến cho Trường Đại học Y khoa Vinh và Bệnh viện Đại học Y Vinh…
Nhà giáo Ưu tú
Năm 1988, sau khi tốt nghiệp trường Đại học y Thái Bình, với thành tích học tập xuất sắc, bác sỹ Cao Trường Sinh được giữ lại trường để thực hiện công tác giảng dạy. Thế nhưng với mong muốn và khao khát được cống hiến cho quê hương, bác sỹ Sinh xin về công tác tại Bệnh viện Nhi Nghệ An. Những năm tháng tiếp theo anh được điều chuyển về làm việc tại khoa Nội bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, rồi Trường Đại học Y Vinh. Vừa tham gia chữa bệnh cứu người, anh vừa làm công tác giảng dạy tại trường Trung cấp y Nghệ An nay là Trường Đại học Y khoa Vinh. PGS.TS Cao Trường Sinh sinh năm 1963 là giảng viên cao cấp, chuyên khoa cấp II Nội-Tim mạch, hiện ông còn là Ủy viên BCH Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội Tim mạch Đông Nam Á (FasCC), Hội Tim mạch Hoa Kỳ (FACC), thành viên Hội Tăng huyết áp thế giới.
Trong vai trò một giảng viên cao cấp, trực tiếp đứng lớp giảng dạy một số môn học như Nội – Tim mạch, môn dược lâm sàng thuộc khoa dược và môn giải phẫu thuộc Khoa Y cơ sở, PGS.TS Cao Trường Sinh luôn quan niệm dạy nghề phải đi đôi với dạy người. Những giờ lên lớp của thầy Sinh đều được các bạn sinh viên háo hức, chào đón, bởi “Thầy không chỉ dạy những kiến thức trong giáo trình mà thầy còn có rất nhiều ví dụ, những ca bệnh, bệnh nhân cụ thể với những tình huống y khoa cụ thể rất bổ ích và thiết thực. Giờ giảng của thầy luôn được các sinh viên chăm chú lắng nghe và hào hứng phản biện, tranh luận”, bạn Nguyễn Thị Thủy sinh viên Đại học Y khoa Vinh chia sẻ. Thầy luôn chú trọng đổi mới phương pháp, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực, lấy người học là trung tâm, đồng thời luôn quan tâm động viên, giúp đỡ những sinh viên yếu để họ vươn lên.
PGS.TS Cao Trường Sinh (thứ 3 từ phải sang) tham gia chấm Luận án Tiến sĩ cấp học viện
Thầy Sinh còn chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo đại học như Bác sỹ đa khoa, Đại học điều dưỡng, sau đại học như siêu âm, điện tâm đồ, chỉ đạo các khoa đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá, đặc biệt là triển khai đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thực hiện các kỳ thi nghiêm túc; nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra cho sinh viên của trường. Bản thân thầy chỉ đạo xây dựng được 80 bộ giáo trình và 80 bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan của các đối tượng giảng dạy đại học giúp các bộ môn, giảng viên có đủ bộ giáo trình giảng dạy và đánh giá, giảm được hàng ngàn giờ coi thi, chấm thi, giấy thi, giúp tiết kiệm cho nhà nước khoảng 500-600 triệu mỗi năm. Biên soạn 01 sách chuyên khảo, 2 giáo trình phục vụ giảng dạy cho đối tượng đại học, sau đại học và đào tạo liên tục cho các bác sỹ ở các bệnh viện như: Kỹ thuật theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ-Từ nguyên lý đến thực hành; Điện tâm đồ cơ bản, Giáo trình thần kinh học được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín.
Đến thời điểm hiện tại thầy Sinh đã có hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí Y học và tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước, có 5 bài báo khoa học quốc tế có chỉ số ISI và Scorpus; Xuất bản được 1 sách chuyên khảo và 2 giáo trình phục vụ đào tạo; hướng dẫn được 20 sinh viên Bác sỹ đa khoa, Đại học Điều dưỡng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp; 12 cao học, Bác sỹ chuyên khoa 2 bảo vệ luận văn, luận án và hướng dẫn 2 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.
Một bác sỹ say mê nghiên cứu khoa học
Khi nhắc đến bác sỹ – Nhà giáo ưu tú Cao Trường Sinh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học y khoa Vinh, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học y Vinh bạn bè đồng nghiệp cũng như sinh viên đều khâm phục và mến mộ bởi tinh thần nghiên cứu, học tập không ngừng nghỉ và bởi tấm lòng tận tâm với nghề, tận tụy với bệnh nhân. Ngoài thời gian giảng dạy, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, PGS.TS Cao Trường Sinh còn tích cực, say mê nghiên cứu khoa học. Thầy chính là tác giả của nhiều đề tài khoa học, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Khuôn viên Bệnh viện Trường Đại học Y
Bản thân thầy Sinh đã chủ trì thực hiện 6 đề tài cấp tỉnh và nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và nhiều đề tài cấp cơ sở có giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phòng trị tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi tại Nghệ An” và đề tài “Một số giải pháp phát hiện sớm và điều trị chứng rối loạn tự kỷ cho trẻ em tại Nghệ An”. Đây là 2 đề tài mà thầy Sinh hết sức tâm đắc và dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất. Bởi bệnh tự kỷ tuy mới được nhận diện gần đây nhưng số ca mắc bệnh tự kỷ ngày càng nhiều, kinh phí chữa trị tốn kém, nhiều thời gian và hầu hết các bố mẹ khi phát hiện con có dấu hiệu tự kỷ đều phải ra Hà Nội để điều trị. Hai đề tài hiện đang được ứng dụng tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, 7 huyện thành tỉnh Nghệ An, ứng dụng kết quả trong toàn tỉnh và nhân rộng mô hình trong toàn quốc.
Ngoài ra, thầy Sinh còn là tác giả của nhiều đề tài đầy ý nghĩa và thiết thực như đề tài “Thực trạng và một số giải pháp phòng và điều trị loãng xương ở người trên 40 tuổi tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An”; “Thực trạng tăng huyết áp tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”; “Nghiên cứu điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân tại Nghệ An”… Mỗi đề tài khoa học mà thầy Sinh nghiên cứu đều hướng đến người bệnh, hướng đến những đối tượng cụ thể trong xã hội, do vậy kết quả của đề tài được đánh giá trên chính hiệu quả khám, chữa bệnh.
Chia tay thầy Sinh ở phòng làm việc, tôi đi dọc hành lang bệnh viện để thấy rõ hơn không khí cũng như phong thái làm việc của Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh. Phòng nào, khoa nào cũng đang có bệnh nhân khám và điều trị nhưng không có cảnh ngột ngạt, chen chúc như những bệnh viện khác. Thay vào đó là không khí thoải mái của người bệnh và thái độ ân cần, niềm nở của các nhân viên y tế. Có lẽ chính tấm lòng và niềm say mê, tận tâm của người đứng đầu bệnh viện – Bác sỹ Cao Trường Sinh đã phần nào mang đến không khí làm việc hăng say và làm thay đổi bộ mặt của Bệnh viện cũng như thay đổi thái độ làm việc của các nhân viên y tế…/.
Nguồn: Lê Thắm – Phòng Thông tin – Báo chí – Xuất bản (Sở TTTT)