NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIRUS HỢP BÀO HÔ HẤP RSV

0
243

Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Loại virus này dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Virus RSV có thể tồn tại nhiều giờ trên các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Trẻ có nguy cơ nhiễm virus nếu vô tình chạm vào các đồ vật có virus và đưa lên miệng. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân và xuân – hè.

Hầu hết các trẻ em thường nhiễm virus hợp bào hô hấp trước 2 tuổi. Ngoài ra, virus RSV cũng có thể gây lây nhiễm cho người lớn. Một người sau khi bị nhiễm virus RSV có thể sau 2 – 8 ngày mới biểu hiện triệu chứng. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, các triệu chứng sau nhiễm virus RSV thường nhẹ, giống cảm lạnh thông thường và có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ những biểu hiện khó chịu. Tuy nhiên, nhiễm virus hợp bào hô hấp cũng có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, suy thở nhanh, rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi, người có bệnh về tim, phổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.

Trẻ bị lây nhiễm virus RSV thường có những biểu hiện như:

  • Khó thở: Thở nhanh đi kèm triệu chứng rút lõm lồng ngực.
  • Thở khò khè và chảy nước mũi.
  •  Ho nhiều.
  •  Sốt cao.
  •  Đau họng nhẹ.
  •  Đau tai.
  • Thường quấy khóc, không nhanh nhẹn, người mệt mỏi, ngủ không ngon.
  • Bỏ bú hoặc bú kém, ăn kém.
  • Ngưng thở khoảng 15 – 20 giây, thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ có tiền sử bệnh ngưng thở.
  • Có biểu hiện thiếu nước nghiêm trọng gồm: Khóc không có nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, mắt trũng, da nhăn nheo.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV đôi khi gây biến chứng viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi với biểu hiện:

  • Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
  • Thở khò khè.
  • Ho ngày càng nặng, trẻ có thể bị nghẹt thở hoặc nôn ói do ho dữ dội.
  • Mệt mỏi, bơ phờ, chán ăn, giảm hứng thú.

Phòng ngừa nhiễm virus RSV như thế nào?

  • Tránh để trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi,…
  • Tránh đưa trẻ tới nơi đông người.
  • Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ, trong lành, tránh khói bếp hay khói thuốc lá.
  • Làm sạch và vô trùng bề mặt các dụng cụ có thể bị lây nhiễm virus RSV.
  • Chú ý rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch hoặc các dung dịch diệt khuẩn có chứa cồn trước khi chăm sóc trẻ.

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng như khó thở, sốt cao hoặc môi và móng chuyển xanh tím, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

Khi trẻ có các triệu chứng và biểu hiện như trên, quý phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh hoặc liên hệ cho bệnh viện theo địa chỉ dưới đây để được giải đáp nhanh nhất và hỗ trợ tận tình.

Bài viết bởi Khoa Nhi – Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh

BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA VINH
“Đổi mới – Phát triển – Hài lòng người bệnh”
“Trao y đức – nhận niềm tin – vì sức khỏe nhân dân”
* Hotline: 0373 666 115
* Thời gian làm việc : Tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày thứ 7, CN & ngày lễ.
* Địa chỉ: 161B Nguyễn Phong Sắc – Phường Hưng Dũng – TP Vinh – Nghệ An.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here