Nội soi tiêu hóa không đau tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh

0
1523

Nội soi không đau là phương pháp sử dụng tiêm một loại thuốc an thần nhẹ, trong lúc nội soi sẽ không có cảm giác đau, không nôn  và không có cảm giác khó chịu. Sau nội soi khoảng 3-5 phút bệnh nhân sẽ tỉnh lại và cần nằm lại theo dõi từ 10-30 phút, sau đó sẽ gặp bác sĩ  xem kết quả và tư vấn bệnh.

Nội soi dạ dày – đại tràng là một thủ thuật không thể thiếu trong chuyên khoa Tiêu Hóa. Nội soi giúp chẩn đoán hầu hết các bệnh lý của ống Tiêu Hóa và qua đó có thể can thiệp điều trị các bệnh lý này.

Bệnh nhân cần làm gì trước khi nội soi dạ dày:

Bệnh nhân cần nhịn ăn từ 6-8h trước khi đi nội soi. BS sẽ đưa 1 ống soi qua miệng vào thực quản vào dạ dày và tá tràng. Qua đó, giúp phát hiện các bệnh lý dạ dày tá tràng và xét nghiệm vi khuẩn H.pylori trong dạ dày, nếu cần BS sẽ sinh thiết tổn thương làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán bệnh.
Trường hợp nào cần nội soi dạ dày: Bệnh nhân có những biểu hiện sau đây nên đi nội soi dạ dày để phát hiện sớm bệnh lý dạ dày – tá tràng: Đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, nuốt nghẹn, nuốt khó, các rối loạn tiêu hóa khác như: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, ăn chậm tiêu, nóng rát sau xương ức, thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn ra máu, đại tiện phân đen….

Bệnh nhân cần làm gì trước khi nội soi đại tràng:

Bệnh nhân cần nhịn ăn 6-8h trước khi đi nội soi và được cho uống thuốc xổ trước nội soi. Với nội soi đại tràng bác sĩ sẽ đưa ống soi từ hậu môn vào trực tràng và đại tràng giúp chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng.

Trường hợp nào cần nội soi đại tràng: Bệnh nhân có những biểu hiện sau đây nên đi nội soi đại tràng sớm giúp phát hiện các bệnh lý của đại trực tràng đặc biệt là ung thư đại tràng (bệnh lý ít được phát hiện sớm nếu không có nội soi đại tràng): bệnh nhân đại tiện ra máu, phân có nhầy, rối loạn tiêu hóa mới xuất hiện hay kéo dài, thiếu máu không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân, bệnh nhân trên  50 tuổi hoặc có thân nhân bị ung thư đại trực tràng…

Những dấu hiệu thường gặp khi nội soi dạ dày, đại tràng:

Trong lúc nội soi dạ dày có thể bị nôn, khó chịu vùng bụng.

Trong lúc nội soi đại tràng bệnh nhân có thể bị chướng hơi ở bụng, đau lúc soi.

Hiện nay tại Phòng Nội soi Tiêu Hóa – BV Đại học Y khoa Vinh có thực hiện phương pháp “Nội soi không đau”.Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc an thần nhẹ, trong lúc nội soi bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau, không nôn và không có cảm giác khó chịu. Sau nội soi khoảng 3-5 phút bệnh nhân sẽ tỉnh và nằm lại theo dõi từ 10-30 phút.

Bác sĩ  khám bệnh xem kết quả, kê đơn thuốc và tư vấn uống thuốc, chế độ ăn uống sinh hoạt…, xong  bệnh nhân có thể ra về.

Lợi ích của nội soi không đau:

+ Giúp bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn, khó chịu, buồn nôn hay sợ hãi trong suốt quá trình nội soi và ám ảnh sau khi soi.

+ Với thời gian gây mê ngắn, liều lượng thấp nên kỹ thuật nội soi này khá an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Sau khi thực hiện thì bệnh nhân cũng nhanh tỉnh táo lại, hệ thần kinh không bị ảnh hưởng. 

+ Hình ảnh quan sát rõ nét, độ chính xác cao hỗ trợ cho bác sĩ trong quá trình kiểm tra, sinh thiết cũng như chẩn đoán tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

Nội soi gây mê hạn chế các tổn thương gây ra cho niêm mạc nhờ bệnh nhân nằm yên, giúp thao tác thực hiện chuẩn xác hơn, chẩn đoán chính xác hơn.

Một số lưu ý trước và trong khi thực hiện nội soi gây mê:

+ Nếu bệnh nhân đang dùng bất cứ loại thuốc, thảo dược hay chất bổ sung nào, chẳng hạn như thuốc tiểu đường, thuốc ngừa đông máu thì cần thông báo ngay cho bác sĩ trước khi thực hiện nội soi.

+ Người bệnh không nên ăn uống bất cứ thứ gì ít nhất 6 – 8 tiếng trước khi nội soi, đặc biệt là những thức uống có màu như cà phê, sữa, cocacola,…

+ Bệnh nhân nên ngừng uống nước từ 6 – 8 giờ trước khi tiến hành nội soi để hạn chế tình trạng trào ngược vào phổi.

+ Sau khi nội soi, người bệnh không nên khạc nhổ cũng như nhịn ăn uống trong khoảng 30 phút.

+ Sau soi, đừng quên thông báo với bác sĩ ngay nếu thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau bụng trầm trọng, đi phân đen, nôn mửa kéo dài, khó thở sốt cao,… …..để điều trị và xử lý kịp thời.

+ Khi đi nội soi nên có người thân đi theo

+ Sau khi nội soi bệnh nhân  không tự lái xe về

Để hiểu rõ hơn về “Nội soi Tiêu hóa không đau” bệnh nhân có thể đến khám tại phòng khám Nội – Khoa Khám bệnh – BV Đại học Y khoa Vinh, số 161B – Nguyễn Phong Sắc – Vinh – Nghệ An hoặc gọi điện đến số điện thoại 0373666115 để được tư vấn cụ thể.

Ths. Bs. Lê thị Thanh Huyền giới thiệu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here