PHẪU THUẬT TẠO HÌNH CHO BỆNH NHÂN TAI NẠN GIAO THÔNG RÁCH DA VÙNG MẶT.

0
960

Vùng mặt là nơi đóng vai trò quan trọng về chức năng và thẩm mỹ. Vì vậy, khi xử trí các vết thương ở đây cần đảm bảo được hai yếu tố trên.

Điểm mấu chốt của một vết khâu thẩm mỹ là đánh giá đúng tính chất vết thương, vết mổ, điều chỉnh hướng sẹo để giảm thiểu sức căng lên bề mặt, phục hồi vết thương theo đúng giải phẫu và lựa chọn chỉ khâu cũng như đường khâu phù hợp.

Bệnh nhân H.H.T vào viện vì đa vết thương phần mềm vùng mặt. Đặc biệt vùng trên cung mày trái có vết thương hình sao, bờ nham nhở, sâu sát xương, bẩn, dính nhiều đất cát.

Tại đây, các bác sĩ khoa Ngoại TH đánh giá đây là tổn thương phức tạp vùng mặt, có khả năng tạo thành khuyết hổng, cần được phẫu thuật tạo hình, tránh để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.

Sau quá trình phẫu thuật và điều trị tại khoa, những vết thương liền đẹp, để lại sẹo nhỏ, che dấu được khuyết điểm của bệnh nhân.

Quá trình điều trị tại bệnh viện giúp chữa lành vết thương. Nhưng để tránh được nhiều biến chứng sau tai nạn hay để vết thương phục hồi tốt hơn thì sơ cứu đúng cách đóng vai trò rất quan trọng.

Bàn luận về cách sơ cứu vết thương phần mềm:

Bước 1: Cần rửa tay sạch sẽ trước khi sơ cứu

Trước khi xử trí các vết thương hở cần phải có đôi bàn tay sạch để đảm bảo vết thương không bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn có trên tay.

Có thể rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra có thể đeo găng tay cao su dùng một lần để tránh tiếp xúc với dịch máu, chất tiết của vết thương.

Bước 2: Cầm máu vết thương

Sử dụng băng vải hay gạc sạch phủ lên vết thương rồi dùng tay ấn vào để cầm máu. Trường hợp không có sẵn gạc hay vải sạch thì có thể dùng tay trực tiếp hay quần áo để cầm máu. Tránh lượng máu mất tối đa.

Ngoài ra có thể nâng cao hơn vị trí của vết thương so với tim để giảm áp lực tưới máu đến khu vực này.

Bước 3: Làm sạch vết thương

Rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối, loại bỏ bụi bẩn khỏi vết thương.

Trường hợp có dị vật đâm sâu vào vết thương thì không tự ý tác động hay rút dị vật ra. Có thể quấn vải xung quanh dị vật để làm đệm hạn chế sự xê dịch. Sau đó gọi sự trợ giúp của nhân viên y tế để có phương án phù hợp.

Bước 4: Băng kín vết thương

Dùng vải hay băng cuộn băng kín vết thương giúp ngăn các tác nhân nhiễm trùng bên ngoài vào. Không băng quá chặt vì có thể làm giảm tưới máu đến vết thương khiến vết thương thiểu dưỡng.

Bước 5: Đến bệnh viện kiểm tra

Các vết thương hở cần được đưa đến bệnh viện để các bác sĩ đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất. Có thể phải khâu cầm máu, đánh giá tiêm phòng uốn ván hay sử dụng kháng sinh tránh nhiễm khuẩn vết thương.

Bác sĩ Phạm Quang Đại – Khoa Ngoại TH giới thiệu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here