- Đại cương
U máu hay u mạch máu là khối u lành tính, thường là bẩm sinh, do tăng sinh và giãn ra của các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch), nhưng thường là mao mạch, những mạch này được nối liền nhau bằng một số lượng biến đổi của tổ chức liên kết. Cũng có khi u máu được cấu tạo bởi một tổ chức hang thực sự, giống như tổ chức của cơ quan cương (érectile).
Thường gặp ở trẻ nhỏ, u mạch máu có thể xuất hiện ở một vị trí hoặc ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, trong đó có tới 60% u máu xuất hiện tại vùng đầu – mặt – cổ.
- Nguyên nhân gây u máu
Có nhiều giả định về nguyên nhân gây U máu:
– Yếu tố gia đình: nguy cơ 50% U máu ở bố hoặc mẹ đã thoái triển nhưng U máu ở trẻ có thể tiến triển nặng hơn.
– Rối loạn hormon.
– Rối loạn miễn dịch.
– Có các bất thường về mạch máu.
– Do tác động của hoá chất hay các chất độc hại khác.
– Trong quá trình mang thai, người mẹ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virus.
– Sau khi bị chấn thương.
- Triệu chứng và phân loại:
Có nhiều loại u máu nhưng đều có chung một số triệu chứng lâm sàng như:
– Khối u màu đỏ hay màu tím, không đau.
– Nổi gồ trên da hay niêm mạc. Nếu ta bóp hay ấn u thì u xẹp, buông tay ra u lại phồng trở lại.
– Nếu va chạm, xây xát có thể gây chảy máu, bội nhiễm vi khuẩn và làm chảy máu nhiều gây nguy hiểm.
3.1. Về tổ chức học, có hai loại chính là:
– U máu mao mạch, hay gặp nhất, khoảng 60%, với những mao mạch tăng sinh và giãn ra, nhưng không có tăng sinh của các tế bào nội mô. U máu này gồm những mao mạch ở các giai đoạn phát triển khác nhau, cái thì rỗng, cái thì đầy, rộng và không đều bằng các mao mạch bình thường.
– U máu hang chiếm khoảng 30%. giống như những cơ quan cương (érectile) gồm những những hốc nhỏ, đầy máu và thông thương với nhau, và thường có một vỏ xơ bọc có thể đè ép lên tổ chức cứng ở phía dưới. Đôi khi những hốc máu đó được ngăn cách nhau bởi những vách collagen có nhiều mô võng (reticuline) và thiếu chất chun (élastine). Trong u máu hang, các mao mạch giãn rất rộng. Giữa hai thể đó, có thể có sự phối hợp trên một tổn thương. Ngoài ra, từng thể đó có thể phối hợp với những tổn thương khác, nhất là với u bạch mạch, trở thành u máu-bạch mạch hoặc với những tổ chức khác như cơ, xương, sụn,.v.v.
3.2. Về lâm sàng ta có thể gặp một số loại u máu sau:
3.2.1. U máu phẳng:
Chiếm tỉ lệ khoảng 50%, là những bớt đỏ trên da (bớt màu rượu vang – Portwine stains), đa số bẩm sinh. Các vết bớt thường có màu nâu xám, vàng, xanh, hồng hay đỏ. Chúng được tạo thành do sự kết tụ lại của các mao mạch.
3.2.2. U máu gồ:
Gồ trên da từng chùm như chùm dâu, có màu đỏ của máu, bờ rõ, hình thể u giống như “một quả dâu lớn đặt trên da”, thường khu trú ở mặt và trên thân mình.
Một số biểu hiện bên ngoài của chứng u máu
3.2.3. Phình mạch rối:
Có thể coi như quá trình phát triển của một u máu gồ tự phát hoặc dưới ảnh hưởng của một sang chấn hoặc do nội tiết (có thai xúc động). Có khi lại được coi như một thể trung gian giữa u máu và phồng động – tĩnh mạch.
Hình thái lâm sàng là một u gồ, thường to bằng quả cau hay quả quýt, da trên u màu hồng thẫm, nhăn nheo, mỏng, đôi khi có tĩnh mạch nổi rõ, nhìn thấy rõ nhịp đập, rất dễ chảy máu gây nguy hiểm vì khó cầm máu. U làm biến dạng mặt và ảnh hưởng tới chức năng tuỳ theo vị trí ở gần mặt mũi, môi hay tai, v.v. Ảnh hưởng sâu xa có thể tới tim. Về tổ chức học, giống như u máu thể củ, thường là phối hợp mao mạch với hang.
3.2.4. U máu dưới da:
Là một khối mềm, ở sâu bên dưới và đội da u lên, thường tạo thành các hang máu, chủ yếu do tĩnh mạch trở thành xơ, hang. Sự ứ đọng máu lâu ngày tạo thành các hạt sỏi trắng. U hơi chắc, thấy rõ các hạt sạn cứng.
U mạch củ có thể phối hợp với một u mạch dưới da, làm thành một u máu hỗn hợp.
Những khối u máu ngoài da chúng ta có thể quan sát và dễ dàng chẩn đoán. Tuy nhiên, với các khối u mạch máu ở họng, hạ họng, bị bội nhiễm bệnh nhân có thể nuốt đau, khó nuốt. Khàn tiếng kéo dài, khó thở khi hít vào và ho nhiều nếu khối u mạch ở thanh quản, đôi khi ho ra máu đỏ tươi, hơi thở hôi là tùy theo bản chất khối u. Soi hạ họng thanh quản thấy khối u sùi như chùm nho hoặc khối tròn nhẵn có màu đỏ hay tím sẫm.
3.2.5. U máu trong xương hàm:
Tương đối hiếm gặp, nhưng là loại u máu nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong. Thường u từ ngoài tiến vào, đó là u máu từ niêm mạc miệng hoặc lợi phát triển và phá huỷ dần dần xương hàm. Hiếm hơn u máu có thể từ trung tâm xương hàm phá huỷ dần và biều lộ ra ngoài lợi và răng, …
- Điều trị u máu
Điều trị u máu là một vấn đề rất tế nhị, phong phú, và thường là khó khăn. Nó tuỳ thuộc ở từng bệnh nhân, từng khu trú, từng thể bệnh, và tuỳ mục đích yêu cầu nhằm giải quyết thẩm mỹ, hay chức năng, hay cứu sống bệnh nhân lúc nguy hiểm. Do đó không có một công thức nào được đưa ra để áp dụng chung cả, mà chỉ có thể nêu những khả năng giải quyết u máu, những chỉ định chung cần linh hoạt áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
4.1. Diễn biến của u máu nói chung
75% u máu là bẩm sinh, và diễn biến có thể khác nhau. Nhiều tác giả đã nêu những ca tự khỏi sau vài năm. Có tác giả đã phân biệt u máu chưa chín ở trẻ em có thể tự khỏi, với u máu đã chín ở trẻ lớn hơn và người lớn. Trẻ nhỏ có thể 1-2 tuổi, ít khi tới 3-4 tuổi. Thể gồ (hay là thể củ) tiến triển mạnh trong những tháng đầu, lại hay tự khỏ khi các mạch đã xơ hoá kín lại, và có nghẽn mạch làm hoại tử mạch rồi ngừng phát triển. U máu phẳng cũng có thể tự khỏi, nhưng hiếm hơn. Còn phình mạch rối và u máu xương hàm khó ngừng phát triển và hiếm khi có thể tự khỏi.
Như vậy u máu diễn biến có thể tự khỏi, hoặc ổn định, không phát triển thêm, hoặc tiếp tục phát triển nhanh hoặc chậm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc ảnh hưởng tới chức năng, thẩm mỹ hay không.
Có thể nói khi u máu đã tồn tại từ lúc sơ sinh đến khi trẻ đã 2-3 tuổi thì thường tiếp tục phát triển nhanh hay chậm, ít nhất cũng lớn nhanh theo tuổi.
Tuỳ từng thể bệnh, u máu chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ như u máu phẳng, hoặc vừa ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng như u máu gồ, thể củ, thể sâu dưới da, niêm mạc, hoặc còn có thể nguy hiểm đến tính mạng vì chảy máu, nhiễm khuẩn như u máu trong xương, u máu thể gồ ở lưõi gà, amidal, lưỡi, hoặc phình rối ở mắt, thái dương, tai,v.v.
4.2. Thái độ chung trước một u máu
Không phải u máu nào cũng cần phải được điều trị, vì nhiều lý do:
– Hoặc không cần thiết.
– Hoặc chưa nên can thiệp.
– Hoặc can thiệp chưa có lợi, chỉ hại thêm.
– Hoặc không đủ khả năng can thiệp.
4.3. Những cách điều trị u máu:
Khi đã có chỉ định can thiệp để điều trị u máu, tuỳ từng ca cụ thể, như từng thể bệnh, từng vị trí, bệnh nhân già hay trẻ, nam hay nữ mà áp dụng cụ thể. Chúng ta có những phương pháp chính sau:
– Ngoại khoa: phẫu thuật từ can thiệp nhỏ như mài, cạo, xăm, và nhuộm màu, cho đến vừa như khâu xơ hoá, cắt một phần, đến phẫu thuật lớn cắt bỏ toàn bộ và tạo hình.
– Nội khoa: + thuốc tiêm xơ hoá,
+ Dùng Corticosteroids,
+ Dùng Propranolol.
– Laser, .v.v…
Tài liệu tham khảo:
– Bài giảng Răng hàm mặt tập 1,2,3 Trường Đại học y Hà nội.
– Bài giảng Phẫu thuật Hàm mặt. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. 2010.
– Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt. Nhà xuất bản y học. Năm 2003
MỘT SỐ HÌNH ẢNH U MÁU ĐƯỢC PHẪU THUẬT
Thầy thuốc ưu tú – BSCKII. Lê Xuân Thu
Bác sỹ cao cấp
Phó giám đốc – Trưởng khoa Răng hàm mặt – Mắt
Bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh