VIÊM RUỘT THỪA

0
18

VIÊM RUỘT THỪA

  1. Đại cương

– Viêm ruột thừa là một trong những cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất, thường gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành dưới 50 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng cấp, đòi hỏi chẩn đoán và xử trí nhanh chóng để tránh các biến chứng nguy hiểm.

  1. Các dấu hiệu nhận biết

– Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải là triệu chứng điển hình của bệnh. Khởi đầu đau ở hố chậu phải hay quanh rốn, có khi ở trên rốn rồi sau nhiều giờ mới khu trú ở hố chậu phải. Đau không xuất hiện ở hố chậu phải là lý do dễ chẩn đoán nhầm, bệnh nhân thường được chẩn đoán là viêm niêm mạc dạ dày, hay cơn đau của loét dạ dày – tá trạng.

– Buồn nôn và nôn được thống kê xảy ra ở khoảng 75% người bệnh. Triệu chứng nôn không đặc hiệu.

– Sốt nhẹ (37,3–38°C) cũng thường gặp; nếu sốt cao, cần nghĩ tới nguy cơ ruột thừa đã hóa mủ hoặc vỡ.

– Các trường hợp viêm ruột thừa ở người cao tuổi và phụ nữ có thai thường có biểu hiện không điển hình, cơn đau nhẹ hơn và dễ làm chậm trễ chẩn đoán.

 

III. Biến chứng viêm ruột thừa

– Vỡ ruột thừa (thủng ruột thừa): Khi ruột thừa vỡ, dịch viêm và vi khuẩn tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc cấp tính, đe dọa tính mạng. Khoảng 22,3% bệnh nhân viêm ruột thừa có nguy cơ vỡ nếu không điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong trung bình dao động từ 3–5%, và có thể tăng tới 10–15% ở người cao tuổi do nguy cơ nhiễm trùng huyết và các bệnh lý nền đi kèm.

– Viêm phúc mạc toàn thể: Là biến chứng nặng nề nhất khi nhiễm trùng lan rộng khắp ổ bụng sau vỡ ruột thừa. Bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu và điều trị bằng kháng sinh mạnh để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

– Áp xe ruột thừa hay viêm phúc mạc khu trú: Khi cơ thể tự giới hạn ổ viêm, có thể hình thành một ổ áp-xe chứa mủ quanh ruột thừa. Áp-xe cần được dẫn lưu mủ bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa hoặc dẫn lưu qua da dưới hướng dẫn của siêu âm/CT.

– Đám quánh ruột thừa: Xảy ra khi các quai ruột và mạc nối lớn kết dính lại bao bọc ruột thừa viêm, tạo thành một khối viêm khu trú nhằm ngăn chặn viêm lan rộng. Điều trị ban đầu chủ yếu bằng kháng sinh, sau đó phẫu thuật cắt ruột thừa sẽ được thực hiện khi tình trạng ổn định.

  1. Điều trị

– Điều trị viêm ruột thừa bằng kháng sinh là không chắc chắn, ngay cả khi mới bắt đầu, mặc dù trong một chừng mực nào đó kháng sinh chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển nhanh chóng của bệnh và có thể làm dịu đi các triệu chứng.

– Khi đã có chẩn đoán chắc chắn là viêm ruột thừa cấp thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ ruột thừa càng sớm càng tốt, do càng để muộn nguy cơ xảy ra các biến chứng càng cao. Có 2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa là phẫu thuật mở kinh điển và phẫu thuật nội soi.

 

Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm xét nghiệm, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Không tự ý uống thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm vì có thể che giấu triệu chứng và làm chậm chẩn đoán.

Tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, kỹ thuật điều trị viêm ruột thừa đã được triển khai hiệu quả với hai phương pháp phẫu thuật hiện đại:

Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa:

Đây là phương pháp được ưu tiên hàng đầu tại bệnh viện nhờ những ưu điểm vượt trội:

✔️ Ít đau sau mổ,

✔️ Thời gian hồi phục nhanh,

✔️ Thẩm mỹ cao (sẹo nhỏ),

✔️ Giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Ca mổ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn với hệ thống máy nội soi hiện đại, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm.

Phẫu thuật mở cắt ruột thừa:

Được áp dụng trong những trường hợp phức tạp như ruột thừa vỡ, áp-xe ổ bụng, hay khi bệnh nhân có chống chỉ định nội soi.

Bệnh viện luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu 24/7, với quy trình chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here