Bỏng vôi là một trong những tai nạn về bỏng thường gặp trong đời sống nhất là đối với bà con nông dân. Nhưng không phải ai cũng biết sơ cứu đúng cách để hạn chế tối đa tổn thương bỏng do vôi tôi gây ra.
Nhân một ca bỏng vôi đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh.
Bệnh nhân Dương Thị D. 67 tuổi, vào viện với tổn thương bỏng đã đóng vảy ngày thứ 2, diện tích 4% ở mặt trong 2 đùi.
Được biết bà D. Có 6 sào ruộng, hiện tại đang giai đoạn làm đòng cần phải bón vôi tôi. Quá trình bón gây vôi vương vào hai chân, nghĩ là không sao nên bà D. chỉ rửa qua nơi vôi vương vào mà không xử lý gì. Sau 2 ngày tổn thương lan rộng, đóng vảy bên ngoài, ứ dịch mủ bên trong kèm theo đau rát, mất ăn mất ngủ nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh.
Sau khi thăm khám tổn thương, Bác sĩ CKII Hồ Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại TH nhận định đây là một tổn thương bỏng hóa chất phức tạp không được sơ cứu đúng cách gây tổn thương bỏng độ 2, 3. Tổn thương đã đóng vảy nhưng thực chất đang lan rộng và tiếp tục tăng độ cần phải nhập viện điều trị, chăm sóc.
Sau 10 ngày điều trị, hiện tại tổn thương bỏng đã liền sẹo, không còn đau nhức, bà D. đã đi lại, vận động bình thường, nụ cười lại nở trên môi bà.
Qua đó, chúng ta hãy tìm hiểu đặc điểm và các bước sơ cứu đúng khi bị bỏng do vôi tôi nóng.
- Đặc điểm:
- Bỏng do vôi tôi nóng là bỏng do tiếp xúc với vôi tôi còn nóng. Tổn thương bỏng do 2 yếu tố: nhiệt độ của phản ứng tôi vôi (1500 C) và kiềm do Ca(OH)2(pH = 13,1). Vôi sẽ tạo thành mảng bám dính vào da gây khó rửa, thậm chí tới ngày thứ 3 vôi vẫn phát huy tác dụng gây bỏng.
- Công tác sơ cấp cứu bỏng vôi nói riêng, bỏng do kiềm nói chung về cơ bản cũng bao gồm các bước như bỏng nhiệt, tuy nhiên cần thêm động tác trung hòa sau khi đã ngâm rửa vùng bỏng bằng nước sạch.
Vết thương do bỏng vôi gây ra
Hậu quả do bỏng vôi
- Sơ cứu tại chỗ:
Bước 1: nhanh chóng cứu người bệnh ra khỏi hố vôi
Nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi tiếp xúc với vôi tôi nóng. Cởi bỏ quần áo còn dính vôi, loại bỏ vôi cục bám dính trên cơ thể.
Bước 2: Đánh giá nhanh chóng và duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn (đề phòng sặc vôi vào phổi, trụy mạch do bỏng rộng…).
Với bỏng do vôi bột: cần lau sạch vôi bám.
Bước 3: Ngâm rửa vùng bỏng bằng nước sạch càng sớm càng tốt.
Ngâm rửa kết hợp với gắp bỏ những mẩu hóa chất, dị vật, đất cát… còn bám lại. Thời gian ngâm rửa thường kéo dài hơn so với bỏng nhiệt.
Chỉ nên dùng nước mát chứ không nên chườm bằng đá hoặc nước đá lên vết thương, tiếp xúc trực tiếp bằng đá lạnh có thể khiến vết thương trở nên tệ hơn vì đột ngột gặp lạnh sẽ khiến biểu bì da co rút lại, vết bỏng sẽ càng lâu khỏi và dễ viêm loét.
Bước 4: Trung hòa tác nhân gây bỏng bằng acid nhẹ.
Thao tác này chỉ tiến hành sau khi đã ngâm rửa vùng bỏng bằng nước sạch. Nếu có thể vận chuyển sớm người bệnh tới cơ sở y tế thì không cần tiến hành thao tác này (ưu tiên động tác ngâm rửa, việc trung hòa dành cho tuyến y tế cơ sở) mà thực hiện ngay những thao tác tiếp theo.
Các dung dịch trung hòa thường dùng: acid boric 3%, acid acetic 0,5-6%, nước đường 20% hoặc mật ong… nếu có điều kiện: dùng dung dịch đệm natri citrat, đệm phosphat.
Bước 5: Che phủ tạm thời vết bỏng.
Có thể dùng vật liệu sạch để che phủ vết bỏng, sau đó băng ép nhẹ vùng bỏng. Vẫn tiếp tục tưới rửa nước sạch lên vùng bỏng.
Bước 6: Ủ ấm, bù nước điện giải sau bỏng.
Bù nước điện giải bằng đường uống (uống oresol, nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước khoáng…).
Ủ ấm.
Giảm đau cho người bệnh (nếu có thể) bằng các thuốc giảm đau toàn thân.
Bước 7: Vận chuyển nạn nhân dến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu thời gian vận chuyển kéo dài, có thể tiếp tục tưới rửa vùng bỏng.
BS. Phạm Quang Đại